Mới đây, một chiếc đồng hồ mặt trời có tuổi đời gần 1.000 năm đã được giới thiệu tới công chúng sau khi được khai quật tại địa điểm khảo cổ Ani – Di sản Thế giới do UNESCO công nhận, nằm ở tỉnh Kars, Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiếc đồng hồ mặt trời này được phát hiện vào năm 2021 trong quá trình khai quật khu vực nhà tắm cổ, và lần đầu tiên được trưng bày trong bảo tàng, thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Ani từng là một thành phố phồn vinh với nhiều nền văn minh khác nhau, hiện còn lưu giữ khoảng 25 công trình kiến trúc quan trọng như tường thành, nhà thờ Hồi giáo, thánh đường, cung điện, nhà thờ, tu viện, nhà tắm, cầu và những dấu tích của lối đi có mái che đổ sập. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng với gần 1.500 cấu trúc ngầm.
Ông Hakim Aslan, Quyền Giám đốc Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Kars, cho biết đồng hồ mặt trời nằm trong dự án "100+2 Triển lãm Bảo tàng" do Bộ Văn hóa và Du lịch thực hiện. Ông nhấn mạnh rằng đồng hồ mặt trời được khai quật vào năm 2021 giờ đã được chuẩn bị để trưng bày.
Theo ông Aslan, đồng hồ mặt trời đã xuất hiện từ rất sớm, đặc biệt phát triển rực rỡ trong thời kỳ La Mã và Hellenistic. Tuy nhiên, trong thời Trung cổ, sự phát triển của loại công cụ này không tiến triển nhiều, thậm chí còn thua kém so với thời Hellenistic.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của đồng hồ mặt trời này như một minh chứng sinh động cho trí tuệ và nền văn hóa thời kỳ trước.